Siết tín dụng BĐS cần lộ trình như thế nào cho phù hợp?
Vậy nên, sự điều chỉnh của NHNN là phù hợp nhưng cần có lộ trình thực hiện (1-2 năm) để tránh xảy ra rủi ro chính sách cũng như ảnh hưởng đến hoạt
Việc sửa đổi Thông tư 36 theo hướng thắt chặt tín dụng bất động sản (BĐS) là phù hợp nhưng cần có lộ trình thực hiện (1-2 năm), nhằm tránh rủi ro chính sách và ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Tp.HCM cho hay.
Vừa qua, NHNN chi nhánh Tp.HCM đã có văn bản trả lời Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) về việc sửa đổi Thông tư 36. Cụ thể, NHNN chi nhánh TPHCM cho rằng việc ngân hàng trung ương đưa ra dự thảo theo hướng siết chặt cho vay BĐS không ngoài mục tiêu đảm bảo an toàn trong hoạt động tín dụng ngân hàng, hạn chế rủi ro tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như BĐS. Cùng với đó, sẽ tạo điều kiện cho thị trường BĐS phát triển bền vững, an toàn.
Những bài học về tăng trưởng tín dụng nóng, tăng trưởng nóng của thị trường địa ốc trong những năm qua vẫn còn nguyên giá trị. Nợ xấu hiện nay đã và đang là vấn đề quan tâm cần giải quyết của Chính phủ và hệ thống ngân hàng.
tín dụng BĐS
Việc sửa đổi Thông tư 36 theo hướng thắt chặt tín dụng BĐS là phù hợp nhưng cần
có lộ trình từ 1-2 năm. (Ảnh minh họa, nguồn: Mạnh Tùng).
Theo NHNN chi nhánh Tp.HCM, những chỉ số điều chỉnh (nâng hệ số rủi ro của các khoản cho vay BĐS từ 150% lên 250%, giảm trần sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn, trung hạn từ 60% xuống 40%) là phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn 60% và tỷ lệ trích lập dự phòng 150% là các tỷ lệ cho giai đoạn khó khăn vừa qua nhằm kích thích tăng trưởng tín dụng, tạo điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh. Một khi thị trường phục hồi, phát triển cần phải có sự điều chỉnh để đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng, đồng thời gián tiếp tạo sự ổn định bền vững cho kinh tế vĩ mô của Việt Nam các năm tiếp theo.
Vậy nên, sự điều chỉnh của NHNN là phù hợp nhưng cần có lộ trình thực hiện (1-2 năm) để tránh xảy ra rủi ro chính sách cũng như ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng.
HoREA trước đó đã có văn bản gửi đến NHNN kiến nghị sửa đổi Thông tư 36 theo hướng điều chỉnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 50%, giữ nguyên hệ số rủi ro các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản 150%. Hiệp hội cũng kiến nghị quy định thời điểm thông tư này có hiệu lực vào năm 2017 để các bên có liên quan chủ động điều chỉnh hoạt động của mình thì hợp lý hơn và không gây ‘sốc’ cho thị trường.
Leave a Reply