Rủi ro tiềm ẩn khi mua bán căn hộ chung cư giá rẻ tại Tp.HCM
Pháp luật luôn đứng về phía người mua nhà, do đó, hiểu biết pháp luật cũng giúp hạn chế tối đa rủi ro
Chính sách hỗ trợ tốt từ chủ đầu tư và nhà băng, nhiều tiện nghi, tiện ích trong mơ, chương trình khuyến mãi hấp dẫn… các sản phẩm căn hộ chung cư đang trở thành lựa chọn hàng đầu của khách mua nhà tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, sau hàng loạt vụ tranh chấp giữa khách hàng và chủ đầu tư xảy ra trong thời gian gần đây, không ít người đang đặt câu hỏi về sự an toàn trong quá trình mua bán căn hộ chung cư.
Đem cả dự án chung cư đi cầm
Vào cuối tháng 5, hàng trăm hộ dân đang sinh sống tại chung cư The Harmona quận Tân Bình, TP.HCM rơi vào tình trạng điêu đứng khi nhận được thông tin tòa chung cư sẽ bị ngân hàng siết nợ. Nguyên nhân do chủ đầu tư là Công ty Vật tư XNK Tân Bình đã đem toàn bộ dự án để vay một khoản tiền lên đến hơn 240 tỷ đồng. Thậm chí, có đến 41 hộ dân sống tại đây phát hiện căn hộ chung cư họ bỏ tiền mua bị chủ đầu tư đem đi cầm cố đến 2 lần.
Hay vụ lùm xùm tại chung cư Ruby Land quận Tân Bình, TP.HCM cũng chưa đi đến hồi kết. Chủ đầu tư là Công ty Tân Hoàng Thắng đang nợ ngân hàng số tiền khoảng 286 tỷ đồng. Ngân hàng đã giải quyết bằng cách cho chủ đầu tư nộp 70 tỷ đồng để lấy sổ đỏ ra, nhưng công ty vẫn không có tiền để trả.
Tại Hà Nội, cũng có không ít dự án căn hộ chung cư khiến khách hàng rơi vào tình trạng “dở khóc dở cười”. Có người sau khi đóng đến 90% giá trị căn hộ mới hay tin chủ đầu tư vướng vào vòng lao lý, hay có người mua phải dự án không đúng tiến độ hoặc khi bàn giao xong thì chất lượng lại không đúng như cam kết.
Thực tế cho thấy, khi thị trường bất động sản bắt đầu hồi phục, cũng là lúc nhiều chủ đầu tư không có uy tín lẫn năng lực xuất hiện, nhưng luôn biết cách bày đủ mọi “chiêu trò” hòng dụ dỗ khách mua căn hộ. Có thể điểm qua như:
Cung cấp thông tin không xác thực về hình ảnh, quy mô, những tiện ích, tiện nghi của căn hộ chung cư
Thổi phồng, tung tin ảo về quy mô của dự án
Mượn tên tuổi của công ty ngoại, giả danh hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp lớn để đánh bóng thương hiệu
Giấu nhẹm các vấn đề pháp lý của dự án, tình hình tài chính
Tuy nhiên, dù là chiêu thức nào cũng đều dẫn đến kết cục cuối cùng là rủi ro và thiệt hại đều thuộc về khách mua căn hộ chung cư.
Làm sao để tránh rủi ro khi mua căn hộ chung cư?
Cách tránh rủi ro khi mua căn hộ chung cư
✽
Chủ tịch Công ty Luật SB Law Nguyễn Thanh Hà chia sẻ gợi ý trong “ma trận địa ốc” hiện nay:
Hiểu biết về luật:
Pháp luật luôn đứng về phía người mua nhà, do đó, hiểu biết pháp luật cũng giúp hạn chế tối đa rủi ro trong quá trình mua bán căn hộ chung cư.
Tìm hiểu kỹ thông tin về chủ đầu tư và dự án căn hộ chung cư
Cảnh giác trước những lời quảng cáo từ chủ đầu tư và đơn vị phân phối
Đọc thật kỹ từng điều khoản trong hợp đồng mua bán căn hộ chung cư
Nếu cần có thể nhờ sự hỗ trợ từ những người có hiểu biết và kinh nghiệm.
Lưu ý các vấn đề pháp lý của dự án căn hộ chung cư
Bao gồm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng, giấy phép thi công, biên bản hoàn thành các hạng mục đã bàn giao, giấy nộp tiền sử dụng đất và tiền thuế liên quan đến dự án…
Về cơ bản, mức độ an toàn của một giao dịch mua bán căn hộ chung cư phụ thuộc rất nhiều vào uy tín và năng lực của chủ đầu tư. Có rất nhiều yếu tố để đánh giá tên tuổi của một doanh nghiệp như số lượng dự án đã thi công, chất lượng căn hộ được khách mua đánh giá tích cực, việc chấp hành luật pháp trong quá trình xây dựng… Nếu không cẩn trọng trong việc tìm hiểu luật cũng như thông tin về dự án và chủ đầu tư, nhiều khả năng người mua nhà tự đẩy mình vào cái bẫy của những kẻ lừa đảo.
Leave a Reply